HỌC HỎI TIN MỪNG THEO THÁNH MÁCCÔ
Diễn Tiến Buổi Học
Bước 1. Kinh khai mạc :
Kinh Chúa Thánh Thần
Cầu nguyện ngắn
Bước 2. Đọc bản văn Tin Mừng :
Cùng nhau đọc bản văn Tin Mừng
Đọc 1 hoặc 2 lần tùy ý
Bước 3. Giải thích :
Giảng viên giải thích ngắn gọn
Cần đưa ra những bài học cụ thể
Bước 4. Cầu nguyện kết thúc :
Cầu nguyện ngắn gọn
Dựa vào các ý tưởng trong đoạn Kinh Thánh vừa học
Bước 5. Phép lành giải tán.
Bài 1. Dẫn nhập
I. Tác giả
Máccô còn có tên gọi khác là Gioan (x. Cv 12,12). Mẹ của ông là bà Maira, người chị em của Barnaba. Nhà của ông tại Giêrusalem, là nơi các tín hữu tiên khởi thường tập hợp để gặp gỡ và cầu nguyện (x. Cv 12,12tt).
Máccô từng theo Barnaba và Phaolô trong chuyến truyền giáo thứ nhất nhưng có lẽ vì hành trình quá vất vả, nên ông bỏ về Girusalem (x. Cv 13,13).
Vì vậy, Phaolô rất tức giận và không đồng ý mang ông theo trong chuyến truyền giáo thứ hai (x. Cv 15,36-40).
Sau đó, Máccô theo Phêrô đến Rôma và làm thông dịch cho Phêrô. Ông chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự giảng dạy của Phêrô (x. 1Pr 5,13).
Vì vậy, truyền thống cho rằng Máccô viết Tin Mừng dựa trên cảm nghiệm của Phêrô về Chúa Giêsu. Sau này ông cũng trở thành cộng sự viên đắc lực của Phaolô (x. 2Tm 4,11).
II. Độc giả
Độc giả của Máccô là các tín hữu không phải gốc Do thái và sống ngoài Palestin vì Máccô thường giải thích những từ Aram, những phong tục Do thái, những chi tiết về địa dư.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng độc giả của Máccô là các tín hữu lương dân đang sống tại Rôma trong hoàn cảnh bị bách hại dữ dội bởi hoàng đế Nêron.
III. Mục đích (có nhiều ý kiến)
1. Ý kiến thứ nhất.
Có ý kiến cho rằng, Máccô viết Tin Mừng nhằm lưu lại lời giảng của các Tông đồ cùng những truyền thống tiên khởi vì thế hệ chứng nhân “mắt thấy tai nghe” sắp qua đi.
2. Ý kiến thứ hai.
Như đã nói, các tín hữu đang sống trong hoàn cảnh đau khổ vì cơn bách hại dữ dội của hoàng đế Nêron. Họ rất sợ hãi khi phải đón nhận và sống Tin Mừng.
Chính Máccô cũng từng rơi vào hoàn cảnh sợ hãi đó. Do đó, ông viết Tin Mừng để kêu gọi và khuyến khích các tín hữu đừng sợ hãi khi phải đón nhận Tin Mừng.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa cũng gặp nhiều chống đối, trải qua đau khổ để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Đó cũng là con đường của mỗi môn đệ Chúa Giêsu Kitô.
3. Ý kiến thứ ba.
Máccô là đệ tử của Phêrô, nên khi viết Tin Mừng, ông ghi lại những cảm nghiệm của Phêrô thầy mình về Chúa Giêsu.
Những cảm nghiệm của Phêrô về Chúa Giêsu đã biến chuyển dần dần qua ba giai đoạn mà Tin Mừng Máccô tóm lại ở câu mở đầu tác phẩm : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”.
- Giai đoạn 1 : Phêrô nhìn Chúa Giêsu như một người.
- Giai đoạn 2 : Phêrô hiểu thêm rằng Chúa Giêsu không chỉ là người mà còn là Đức Kitô. Cao điểm là lời Phêrô tuyên xưng ở Mc 8,29.
- Giai đoạn 3: Phêrô lại hiểu thêm rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Cao điểm là lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rôma dưới chân thập giá ở Mc 15,39.
IV. Nơi chốn và thời gian biên soạn.
1. Nơi chốn.
Theo truyền thống như thánh Clêmentê, Giêrônimô…, Máccô viết Tin Mừng tại Rôma.
2. Thời gian.
Viết sau khi thánh Phêrô qua đời (năm 64). Và trong tác phẩm, Máccô không ám chỉ đến thành Giêrusalem bị tàn phá vào năm 70. Vì thế, nhiều người đồng ý rằng Máccô viết Tin Mừng trước năm 70.
Lm. Phanxico Xavie Vũ Thế Tùng
Ban Mục Vụ Kinh Thánh